Nghe người đàn bà đẹp kể chuyện hơn 40 năm được “nuôi lớn” bởi 1 chiếc hồ để thấy cảm xúc là đương nhiên, ẩm thực Hồ Tây thời bao cấp còn tinh tế đến độ này!

Em có yêu Hồ Tây không?

– Em có yêu Hồ Tây không?

– Em có, còn anh?

– Anh cũng yêu Hồ Tây.

– Vì sao?

– Vì người anh yêu yêu nơi này!

Đoạn hội thoại đủ khiến người ta thấy không có cái tình nào tình hơn Hồ Tây. Bởi Hồ Tây là yêu đương, là thanh xuân, là nhung nhớ, là những cảm xúc bảng lảng sương giăng, là cả cuộc sống đời thường bình dị nhuốm màu trữ tình vì… một chiếc hồ.

Bao nhiêu người đã chảy lưng tròng những giọt nước mắt ở Hồ Tây rồi len lén lau khô trước khi nó chảy xuống, sẽ có giọt nước mắt khác lại chực trào ra nhưng nhất quyết chỉ chảy ở nơi tròng mắt. Yêu đương nồng nhiệt cũng là Hồ Tây, thất tình cũng là Hồ Tây và kỷ niệm dĩ nhiên cũng “đóng gói” để ở cả nơi này…

Chẳng có con đường nào đặt tên hợp lý hơn thế, đường Thanh Niên là thanh xuân của biết bao nhiêu người. Nơi khi xưa hoa hoàng lan bán ven hồ, đi đâu gặp mùi thơm ngây ngất đến độ ngửi thấy mùi hoàng lan người ta nghĩ đến Hồ Tây. Là mối tình đầu khi anh bạn trai ngập ngừng mua tặng cành hoàng lan rồi ngỏ lời với cô gái mình thương.

Nơi cũng có chiếc bánh mì nướng mật ong giòn rụm thơm nức mà người ta có thể tưởng tượng nó ngon hơn hết thảy sơn hào hải vị nào vốn có thể thưởng thức trong cuộc đời sau này. Nơi có kem Hồ Tây mà đứng ăn ngay ở cửa bán hay ngồi sát hồ hưởng vị tê lạnh ngọt ngào ấy người ta cũng cảm thấy như một “đạo ẩm thực” chảy trong huyết quản, bằng sự bản năng mà tấm tắc khen “ngon hơn các loại kem”… Tất cả những gì thơ mộng nhất, Hà Nội nhất, cuộc sống nhất, người ta dễ gặp ở Hồ Tây.

Không phải là phố xá nườm nượp, 1m2 bao nhiêu đôi chân cùng đặt chồng lên, cũng chẳng có những cái cau mày, lườm nguýt của quán xá phố cổ… Hồ Tây có sự khoáng đạt, rộng rãi đến độ mà con người ta mềm mại và bao dung với nhau hơn chăng?

Thơ mộng là thế nhưng cuộc sống chân thực nhất cũng là Hồ Tây. Người ta rủ nhau lên Hồ Tây chạy bộ, rủ nhau đạp xe quanh Hồ Tây, chèo thuyền ở Hồ Tây, đạp vịt Hồ Tây, đi phủ Tây Hồ ngày lễ, ăn bánh tôm và bún ốc Hồ Tây…

Bao nhiêu năm vẫn thế, lúc hoàng hôn đường Thanh Niên chẳng khi nào không có người. Hồ Tây có gì hấp dẫn thế để lúc nào cũng khiến người ta gác máy săn hoàng hôn, cũng có khi là kẻ cô đơn đứng lặng để nhuộm mình chìm trong ráng chiều khi vàng khi tím, trôi trong những sự nhung nhớ, thương đau, trong nỗi buồn đẹp đẽ hoặc hoang hoải đến tê dại.

Dù bạn là lữ khách, dù bạn là người có cả tuổi thơ lớn lên ở Hồ Tây cũng có thể cảm thấy “cái chạm” trong tim, cái chạm rung lên những dây thần kinh không thể gọi tên, thứ cảm giác dù buồn, dù vui cũng len lỏi đến độ thấm đẫm 1 cảm xúc mơ mộng.

Nhưng tất cả vẫn có thể chỉ là 1 góc nhìn giống phần nhiều của 1 lữ khách. Còn có 1 góc khác của người ở sâu hơn trong lòng Hồ Tây, người đã sinh ra với cả tuổi hoa niên, cả thanh xuân tươi đẹp được “nuôi lớn” từ nơi này…

Khi người Hà Nội gọi Hồ Tây là nhà

Chị năm nay hơn 40 tuổi, sinh ra ở làng Võng Thị, anh em họ hàng cũng ở cả đây. Không biết có phải chị có cả tuổi thơ và thanh xuân ở Hồ Tây mà vẻ đẹp của chị không lẫn vào đâu được, một chút kiêu kỳ người Hà Thành gốc, chút phảng phất nỗi buồn như sương, chút bí ẩn khó đoán trong đôi mắt sâu hút cảm xúc.

40 tuổi chị vẫn khiến trai trẻ ngoái nhìn, vẻ đẹp không thể tìm kiếm ở những cô gái đôi mươi đương thời. Hồ Tây với chị là ấu thơ, là nhà, là khi cuộc sống mệt mỏi chị lại trở về ngồi ngắm Hồ Tây thả buồn vào ánh hoàng hôn buông…

Hồ Tây của lữ khách hay nhà của một người đàn bà... - Ảnh 5.

Chị tự nhận mình là nông dân chính gốc vì xưa kia cả làng Võng Thị sống bằng nghề trồng hoa màu, nhưng chất thơ của Hồ Tây đã ngấm vào máu chị để chị cảm về vẻ đẹp của Hồ Tây bằng tận cùng trái tim.

Không bao giờ chị quên Hồ Tây hoang sơ 1 thuở mà ở Võng Thị sương giăng giăng, nhìn qua Hồ Tây chỉ thấy duy nhất khách sạn Thắng Lợi và trường THCS Chu Văn An. Đứng ở mép đường ven hồ nhìn ra xa tưởng như phía trước là một khoảng không bao la không biết đâu là bến bờ. Sâm cầm Hồ Tây nhiều đến độ chúng bay rợp 1 góc hồ, cứ có động chúng lại đập cánh bay lên không trung rồi sà sang 1 góc khác, chúng “chung sống” cùng người Hồ Tây.

Chị kể Hồ Tây khi ấy mặt nước hồ thoai thoải trong vắt nhìn thấy cả đá sỏi, nhìn thấy tôm cá nhảy tanh tách. Mùa thu, mùa xuân, mùa đông, mùa hạ Hồ Tây đều đẹp. Dân làng Sở thuộc huyện Từ Liêm sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở Hồ Tây lũ lượt kéo từ làng ra Hồ Tây để cào hến, đánh bắt cá, dậm trai, cào ốc, dặm bống… Cá, tôm, cua, ốc, trai ở Hồ Tây nhiều vô cùng. Vì thế, Hồ Tây không chỉ là cảnh đẹp, Hồ Tây còn là không khí náo nhiệt, là nơi bao dung ôm lấy kế sinh nhai của biết bao người. Vì thế, mà Hồ Tây mới có bánh tôm, bún ốc, cháo trai từ những thủy sản nơi đây ban tặng. Và Hồ Tây cũng đã nuôi lớn bao thế hệ như thế.

Chị nhớ những lúc sáng sớm 1 chiếc thuyền độc mộc chèo trong khung cảnh bảng lảng lờ mờ sương khói đẹp như 1 bức tranh. Lúc Hồ Tây chưa kè hồ rộng mênh mông, xung quanh là làng mạc, đường Thanh Niên có cả bến tắm giặt, những cây ổi, cây táo xòa dưới lòng hồ đẹp vô cùng… Bao nhiêu người đã được nuôi lớn nhờ Hồ Tây, trong đó có chị. Đó không phải chỉ là nuôi sống mà còn là nuôi dưỡng những tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, biết thương yêu…

Người ta bảo bánh tôm Hồ Tây là đặc sản nhưng lúc đó nhà chị nghèo cũng đâu có được ăn, chỉ nhớ khoai lang xắt con chì rán, con tôm càng trong veo đỏ au đến độ nhìn thôi cũng đã chảy nước miếng, đi qua mà thèm. Nhớ cả món nước ốc thơm lừng mùi ốc, mùi giấm bỗng mà chị cảm nhận nó như thể bằng cả 6 giác quan. Nước ốc đựng trong chiếc chum sành múc bằng gáo dừa, ớt chưng cũng đặc biệt. Vài thìa ốc và ít canh ốc mua về rồi ăn với bún, đó chính là món ốc nguội đậm chất Hà Nội.

Chị thèm bát tào phớ của người bán rong mỗi lần đi ngang qua nhà với tiếng rao lảnh lót. Nó tinh tế đến độ tào phớ ở trong những chiếc thùng gỗ xinh xắn, khi múc tào phớ người ta múc bằng vỏ mảnh trai già, người bán hất tay khéo léo vào 1 cái bát, dàn vào cái bát từng lớp nọ lớp kia đẹp mắt đến độ chị say mê không thể rời mắt. Đôi quang gánh, thùng tào phớ gỗ, bên trên là một cái mẹt có nồi nước đường hoa mai thả những bông hoa nhài tươi trắng muốt, bên trên phủ 1 màn xô cũng màu trắng tinh khiết. Nó đã khiến cho chị sau này có cái nhìn duy mỹ, ăn 1 bát mì cũng phải được bày biện tinh tươm. Dù hôm trước có khóc sưng cả mắt thì buổi sáng chị vẫn giữ thói quen thưởng thức một ly trà hoa.

Hồ Tây của lữ khách hay nhà của một người đàn bà... - Ảnh 9.

Gánh phớ xâm chiếm toàn bộ trí nhớ của chị cho đến bây giờ. Lúc người bán hàng hất chiếc màn trắng muốt họ thể hiện đôi bàn tay khéo léo như 1 nghệ nhân ẩm thực đường phố thực thụ. Rồi cũng có 1 ngày chị được mẹ cho 200 đồng là lúc chị có thể đón chiếc bát in hình cô tiên mà từng ngắm và ngửi cũng thấy được mùi ngọt thơm của đường hoa mai quyện với hoa nhài. Lúc xúc 1 miếng tào phớ đưa lên miệng nó tan ra mềm mại trong niềm hạnh phúc mà sau này thực sự chị không bao giờ gặp lại. Đấy là còn chưa nói đến món bánh giò Thụy Khuê trên đường Thanh Niên, món bún ốc, kem dừa…

Rồi thanh xuân trôi tuột qua kẽ tay, chị lấy chồng nơi khác, có lúc cuộc sống cũng mệt mỏi đến độ cảm thấy bế tắc. Như 1 thói quen chị lại về nhà mẹ, đi về lặng ngắm Hồ Tây để mình trôi trong sự chống chếnh, cô đơn. Hồ Tây như vỗ về chị. Chị lại tưởng tượng thấy như cuối vườn nhà cây hoa ngọc lan nằm bò soi bóng xuống hồ. Chị nằm lên đó và giữa trưa hè bầu trời trong veo mà như nghe thấy lũ trẻ cùng thời đi bơi trong tiếng sóng, tiếng cười nói vọng vào…

Hồ Tây của lữ khách hay nhà của một người đàn bà... - Ảnh 10.

Người dân quanh hồ đều sống bằng những nghề khác nhau, làng Đông Hồ thì làm giấy bản, làng Trích Sài chuyên làm khăn mặt bông… Rồi kè hồ, mở đường và tất cả biến đổi, Hồ Tây giờ đẹp vẻ hiện đại, người dân cũng không sống bằng những nghề khi xưa nữa. Chị thương nhớ Hồ Tây cũ, nhưng cũng chưa bao giờ thôi yêu Hồ Tây hiện đại…

Cuộc sống rồi ai cũng đổi thay, Hồ Tây dù có biến đổi cũng đổi sang 1 vẻ đẹp khác để thương… Ai đó nói rằng “cứ sống ở Hà Nội vài bữa thì ai cũng biết đường lên Hồ Tây thôi” cũng đúng. Bởi có khi họ ngửi thấy mùi Hồ Tây rất khác, có khi chẳng cần quá thạo đường nhưng đôi bánh xe này vẫn dừng lại ven hồ, một khi trong lòng có 1 thứ cảm xúc có đôi chút lạ lùng.

Hồ Tây của lữ khách hay nhà của một người đàn bà... - Ảnh 11.

Nếu người ta bảo Hà Nội là nhà thì Hồ Tây quả như người thân, đi đâu xa về cũng phải qua chào, để nắm tay, để nghe tiếng, để ấp ôm…

Trong phim Mỹ, hễ trong lòng có tâm sự thì người ta đi nhà thờ tâm sự với Chúa, còn thanh niên Hà Nội buồn sẽ lên Hồ Tây. Facebook, Instagram bây giờ là nơi để xả cảm xúc của người trẻ hiện đại, nhưng có vẻ đối với người một số người “thả” tâm tư xuống Hồ Tây vẫn mãi là một thói quen. Có phải vì Hồ Tây rộng và nỗi buồn ở đó cũng dễ tan hay vì 20km vòng quanh hồ đủ để nỗi buồn chỉ còn là hư ảo… Và cũng có khi vì Hồ Tây đơn giản là nhà như người phụ nữ ấy, với hơn 40 năm khóc cười!

About Tintuc

Check Also

European Tour Mua Moi Xao Tron Vi Covid 19

European Tour mùa mới xáo trộn vì Covid-19

Nam PhiBiến chủng Omicron mới khiến nhiều golfer bỏ giải mở màn Joburg Open, còn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ván trượt điện xe cân bằng hover board